Thời kỳ trị vì ban đầu Đường_Hy_Tông

Gần như ngay lập tức sau khi ông tức vị, Vi Bảo Hành bị đưa đi lưu đày rồi bị buộc phải tự sát. Trong khi đó, Điền Lệnh Tư trở nên rất có ảnh hưởng, và được mô tả là người trên thực tế quyết định hầu hết các vấn đề trọng đại của quốc gia, do Đường Hy Tông khi đó còn nhỏ tuổi và tin tưởng Điền.[7]

Vào đầu triều đại của Đường Hy Tông, một nạn đói nghiêm trọng do hạn hán đã quét qua phần trung tâm của Đại Đường. Theo mô tả của học giả Lô Huề, người trở thành Đồng bình chương sự vào năm 874:[7]

Thần chính mắt thấy cảnh Quan Đông [tức phía đông Hàm Cốc quan] chịu tai họa hạn hán vào năm ngoái. Từ Quắc [nay thuộc Tam Môn Hiệp, Hà Nam)] đến Hải [tức biển Hoa Đông)], mạch chỉ thu được một nửa; các loại ngũ cốc vụ thu gần như không thu được gì, rau quả vụ đông thu được rất ít. Người nghèo xay hạt của cây cỏ bồng thành bột, ăn nó cùng với lá của cây hòe như rau. Một số người thậm chí còn tệ hơn, khó nhọc không thể diễn tả nổi. Vài năm nay không thu hoạch được gì, người dân lưu tán sang nơi khác, chỉ còn lại những người đói kém không có nơi nào để đi, ngồi ở cổng làng chờ đến khi chết đói.

Lô Huề thỉnh Đường Hy Tông bãi bỏ tất cả các loại thuế đối với các châu bị đói và ngay lập tức tiến hành cứu trợ. Đường Hy Tông đã ban một chiếu chỉ chấp thuận thỉnh cầu của Lô Huề, song trên thực tế không có hành động cứu trợ thiên tai nào được tiến hành. Trong khi đó, vùng tây nam Đại Đường mặc dù không bị ảnh hưởng bởi nạn đói song lại rơi vào họa chiến tranh với Nam Chiếu.[7]

Nạn đói vẫn tiếp diễn, người dân lưu tán để tránh nạn đói bắt đầu mất hy vọng vào triều đình, họ tụ tập thành các nhóm đạo tặc đi khắp nơi cướp lương thực. Năm 874-875, một nhóm dân lưu tán đông đảo đã tập hợp dưới sự lãnh đạo của Vương Tiên ChiHoàng Sào. Trong vòng vài tháng, Vương Tiên Chi và Hoàng Sào đã tập hợp được một vạn quân. Trong khi đó, trấn át sứ Vương Dĩnh cũng nổi dậy và dẫn quân cướp bóc vùng ven biển đông nam. Ngoài ra còn có rất nhiều các nhóm nổi dậy nhỏ hơn hoạt động trên khắp đế chế.[7]

Triều đình Đường thoạt đầu cố gắng đối phó với cuộc nổi dậy của Vương Tiên Chi/Hoàng Sào bằng cách lệnh cho tiết độ sứ của năm quân bị ảnh hưởng nhất: Hoài Nam[chú 1], Trung Vũ[chú 2], Tuyên Vũ [chú 3], Nghĩa Thành[chú 4], và Thiên Bình[chú 5] huy động quân đội địa phương tiêu diệt hoặc chiêu hàng quân nổi dậy. Chiến lược này không có hiệu quả, và theo biểu thỉnh của Bình Lô[chú 6] tiết độ sứ Tống Uy (宋威), Đường Hy Tông đã giao cho Tống Uy chỉ huy một đội cấm binh đi 'thảo tặc'. Tống Uy ban đầu giành được một số thắng lợi, song sau đó đã không thể chế ngự đội quân của Vương Tiên Chi. Đến năm 876, tể tướng Vương Đạc cố gắng dập tắt cuộc nổi dậy của Vương Tiên Chi khi hứa hẹn sẽ cho Vương Tiên Chi làm một sĩ quan trong quân đội Đường nếu đầu hàng, song việc không thành, chiến tranh vẫn tiếp diễn, Vương Tiên Chi và Hoàng Sào tách đội quân nổi dậy của họ thành hai nhóm riêng biệt.[7]

Tuy nhiên, Vương Tiên Chi lại đề nghị hòa đàm vào năm 877, khiển Thượng Quân Trường đến gặp Dương Phục Quang để đàm phán việc đầu hàng. Tuy nhiên, Tống Uy do phản đối hòa bình với Vương Tiên Chi nên đã bắt Thượng Quân Trường khi người này trên đường đến gặp Dương Phục Quang, tuyên bố rằng đã bắt được Thượng trên chiến trường. Tống Uy giải Thượng Quân Trường đến Trường An để xử tử, bất chấp việc Dương Phục Quang nhiều lần xin tha cho Thượng. Cái chết của Thượng Quân Trường đã chấm dứt hy vọng cho việc thiết lập hòa bình thông qua thương lượng. (Trong khi đó, cuộc nổi dậy của Vương Dĩnh kết thúc khi ông ta bị giết trong giao tranh.)[8]

Không lâu sau đó, Tăng Nguyên Dụ thay thế Tống Uy chỉ huy cấm binh, Tăng Nguyên Dụ nhanh chóng đánh bại và giết chết Vương Tiên Chi. Tuy nhiên, những người đi theo Vương Tiên Chi, bao gồm Thượng Nhượng, đã tập hợp binh sĩ và quy phục Hoàng Sào. Hoàng Sào tiếp tục tiến hành các chiến dịch, tiến về phía nam, chiếm giữ và trong một thời gian đã lấy Quảng châu (廣州, nay thuộc Quảng Châu, Quảng Đông) làm căn cứ. Trong khi đó, tù trưởng Sa Đà Lý Quốc Xương và nhi tử là Lý Khắc Dụng nổi dậy ở phía bắc, cố gắng chiếm lấy khu vực nay là tỉnh Sơn Tây song bị đánh bại và buộc phải chạy đến chỗ tộc Đạt Đát (達靼, thuộc Âm Sơn).[8]